Đám hỏi là gì? Cần những lễ vật gì?

Đám hỏi là một trong những nghi lễ quan trọng nhất của con người, nó đánh dấu một bước quan trọng của đôi nam nữ trong việc chuẩn bị tiến đến hôn nhân, tiến đến xây dựng một mái ấm gia đình riêng cho mình . Nhưng liệu rằng, bạn đã hiểu hết về nghi lễ này cũng như những lễ vật quan trọng cần có trong ngày đám hỏi, nếu chưa chúng ta cùng đi tìm hiểu qua bài viết đám hỏi là gì, cần những lễ vật gì sau đây.

Tin liên quan :

 

Đám hỏi là gì?

Đám hỏi hay còn gọi là lễ đính hôn là một nghi thức quan trọng trong phong tục hôn nhân truyền thống của người Việt Nam, nó thông báo chính thức về việc hứa gả giữa hai họ. Đây là giai đoạn quan trọng trong quan hệ hôn nhân, cô gái trở thành vợ sắp cưới của chàng trai, và chàng trai sau khi mang lễ vật đến nhà gái là đã chính thức xin được nhận làm rể của nhà gái và tập gọi bố mẹ xưng con.

Trong lễ ăn hỏi, nhà trai mang lễ vật tới nhà gái, nhà gái nhận lễ ăn hỏi tức là chính danh công nhận sự gả con gái cho nhà trai, và kể từ ngày ăn hỏi, đôi trai gái có thể coi là đôi vợ chồng chưa cưới, chỉ còn chờ ngày cưới để công bố với hai họ.

Những chuẩn bị trước ngày tổ chức đám hỏi

Vào ngày dạm ngõ hai bên gia đình sẽ bàn bạc và thống nhất ngày đẹp để làm lễ ăn hỏi tại nhà gái. Thông thường ngày, giờ lễ ăn hỏi sẽ do nhà trai quyết định, nếu được gia đình bên nhà gái chấp thuận nhà trai sẽ đến đúng ngày như đã dự định.

Để chuẩn bị cho lễ ăn hỏi diễn ra thành công tốt đẹp, hai bên gia đình sẽ phải thống nhất số lượng lễ tráp trong buổi gặp mặt thân tình giữa hai gia đình. Thông thường số lượng tráp ở miền Bắc là lẻ từ: 3, 5, 7 đến 9, 11, 15 tráp tùy vào từng nhà. Ở miền Nam, tráp lại là số chẵn từ 4, 6, cho đến 10, 12 tráp. Trong tráp phải có lễ đen, là phong bì tiền nhà trai chuẩn bị để thắp hương trên bàn thờ nhà gái. Số lượng phong bì lễ đen có thể tùy thuộc vào số lượng bàn thờ của nhà gái hoặc do nhà gái thách cưới.

Cả hai gia đình, nhà trai và nhà gái đều phải chuẩn bị một đội ngũ nam thanh, nữ tú trẻ trung còn độc thân để bê tráp và đỡ tráp. Số lượng thanh niên của hai gia đình tương ứng với số lượng tráp.

Thành phần tham gia lễ ăn hỏi

Nhà trai bao gồm: chú rể, bố mẹ, ông bà, gia đình, bạn bè thân thiết và một số thanh niên chưa vợ bưng mâm quả (hoặc bê tráp), thường thì người bê tráp cho nhà trai là nam. Số người bê tráp sẽ tùy theo phong tục của từng vùng miền. Đối với miền Bắc sẽ tương ứng với số tráp là số lẻ, 3, 5, 7, 9 hoặc 11 và miền Nam là 4, 6, 8 hoặc 10.

Vào ngày ăn hỏi, ba chú rể, chú bác,… sẽ đóng thùng với quần âu, áo sơ mi. Các mẹ, cô, dì,… có thể mặc áo dài, đồ công sở nhằm thể sự tươm tất cũng như tôn trọng nhà gái. Chú rể mặc áo vest lịch sự cùng với đội ngũ bê tráp sẽ mặc áo dài truyền thống hoặc quần âu, áo sơ mi trắng đồng bộ.

Nhà gái bao gồmcô dâu, bố mẹ, ông bà, gia đình và một số bạn nữ còn độc thân để đón lễ ăn hỏi, số nữ đón lễ vật tương ứng với số nam bưng mâm. Cô dâu sẽ diện trang phục áo dài truyền thống cùng với đội ngũ bên tráp mặc áo dài màu đỏ, hồng,… ( thường là các màu rực rỡ).

Trang phục của bố mẹ, ông bà, chú bác,…. bên nhà gái cũng giống như nhà trai sẽ là quần âu, áo sơ mi, áo dài hay váy,…

Những lễ vật cần có trong lễ đám hỏi

Trong ngày trọng đại này, không thể nào thiếu những lẽ vật quan trọng sau:

– Trầu cau: đây được xem là lễ vật linh thiêng và không thể thiếu trong ngày đám hỏi, nó tượng trưng cho tình yêu sắt son, mặn nồng của cặp uyên ương. Lựa trầu cau để kết làm lễ vật trong đám hỏi thì bạn cần lưu ý cau phải để nguyên một buồng, quả tròn trịa và đều. Khi mua cau, nhớ chọn buồng cau xanh tươi, được bẻ khéo léo. Còn lá trầu không số lượng phụ thuộc theo buồng cau và cách trang trí. Tuy nhiên phải là số chẵn 80 lá hay 100 lá. Các lá to tròn, đều xanh không bị rách hay bị vàng úa.

– Tráp bánh: gồm bánh cốm, bánh phu thê, bánh đậu xanh hay bánh trưng, bánh dày. Đây chính là những lễ vật ăn hỏi không thể thiếu và thường đi có đôi có cặp tượng trưng cho hình ảnh vợ chồng. Cặp bánh mặn ngọt kết hợp với nhau được cha ông ta gọi với tên gọi là cặp bánh âm dương nhằm thể hiện tấm lòng trong trắng sắt son của người phụ nữ và sự mạnh mẽ của người đàn ông với ý nghĩa chúc cho cặp uyên ương được hạnh phúc trọn đời.

– Rượu và thuốc lá: lễ vật này mang ý nghĩa thể hiện lòng hiếu thảo và thành kính mà con cháu  đối với ông bà tổ tiên.

– Hoa quả tươi: mang ý nghĩa tượng trưng cho trái ngọt đầu mùa, nhằm chúc phúc cho các cặp đôi sớm có con cháu đầy đàn, gia đình ấm no hạnh phúc suốt đời. Hiện nay, trong lễ ăn hỏi hoa quả thường được thợ xếp hình rồng phượng vô cùng bắt mắt với ý nghĩa chúc phúc cho sự giàu sang, phú quý.

– Chè, mứt sen: lễ vật này tượng trưng cho sự hiếu thảo, thể hiện sự kính trọng của con cái với tổ tiên và cũng là mâm lễ thể hiện tình cảm với anh em họ hàng. Trong đó, hình ảnh mứt sen còn mang đậm ý nghĩa sum vầy ngày tết, đồng thời tượng trưng cho sự kết trái của cặp đôi.

– Một số lễ ăn hỏi khác: ngoài những lễ vật được kể ở trên thì ngoài ra vẫn còn sự hiện diện của một số lễ vật khác như: lợn quay, xôi đỗ hoa mai hay bánh kem theo phong tục người miền Trung và áo dài theo phong tục của miền Nam.

Trên đây là một số thông tin để bạn hiểu rõ hơn về phong tục đám hỏi cũng như những lễ vật cần thiết trong ngày trọng đại này. Cảm ơn bạn đọc đã quan tâm đến bài viết.