Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm cấp tính, có thể gây thành dịch do virut dengue gây ra. Bệnh lây lan do muỗi vằn đốt người bệnh nhiễm virut sau đó truyền bệnh cho người lành qua vết đốt. Hai loại muỗi vằn truyền bệnh có tên khoa học là Aedes aegypti và Aedes albopictus, trong đó chủ yếu là do muỗi Aedes aegypti.
Bệnh sốt xuất huyết có hai thể: sốt dengue và sốt xuất huyết dengue, có thể xảy ra ở tất cả các nước nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới. Ở Việt Nam bệnh xảy ra ở hầu hết các tỉnh, xảy ra quanh năm nhưng thường bùng phát thành dịch lớn vào mùa mưa. Cho đến nay, nó vẫn là một bệnh rất nguy hiểm; những trường hợp nặng có thể dẫn đến tử vong do trụy tim mạch (sốc) và do xuất huyết ồ ạt.
Đây là bệnh truyền nhiễm cấp tính và có thể xảy ra đối với tất cả mọi người, mọi lứa tuổi, nhưng trẻ em từ 3 đến 10 tuổi là đối tượng dễ mắc bệnh nhất. Bệnh có 1 sô biểu hiện như sau:
Đối với trẻ nhỏ:
- Trẻ thường sốt cao, sốt đột ngột, sốt từ 38 – 39 độ, nhưng thường không đi kèm theo các triệu chứng như ho, sổ mũi.
- Khi cho trẻ uống thuốc hạ sốt thì chỉ có tác dụng trong vài giờ
- Có dấu hiệu xuất huyết, xuất hiện các chấm đỏ trên mặt, da
- Chảy máu cam
- Nôn mửa
- Đi ngoài ra máu
- Có thể đau bụng, đau dữ dội, đau ở vùng dưới sườn bên phải
- Với trẻ lớn hơn thì cũng có dấu hiệu sốt nhưng sốt nhẹ, đau đầu, nhức mắt, đau khớp, nhức mỏi toàn thân và cũng có các dấu hiệu xuất huyết
Nên làm gì khi trẻ bị sốt xuất huyết?
Khi trẻ sốt cao, cho uống thuốc hạ sốt paracetamol, lau mát bằng nước ấm để tránh biến chứng co giật. Không nên cạo gió, cắt lể vì những cách này gây đau, chảy máu, nhiễm trùng. Tuyệt đối không tự ý cho uống thuốc aspirine, ibuprofen vì có thể gây chảy máu dạ dày. Nên cho trẻ uống nhiều nước (cam, chanh, oresol, nước chín nguội), ăn thức ăn lỏng nhẹ, nằm nghỉ ngơi và theo dõi các dấu hiệu trở nặng của bệnh.
Tiến trình của bệnh diễn ra như thế nào?
Chia sẻ trên báo Gia đình và Xã hội, bác sĩ Nguyễn Thành Úc – phó khoa Nhi Bệnh viện Đa khoa Tiền Giang cho biết, thông thường sốt xuất huyết cần phải được xác định trong 3 ngày đầu tiên kể từ khi khởi sốt.
- Ngày thứ 1: Bệnh nhân sốt cao, đột ngột, liên tục, sốt không ớn lạnh, mặt ửng đỏ, họng đỏ không đau.
- Ngày thứ 2: Bệnh nhân tiếp tục sốt cao, liên tục. Hãy cố gắng tìm các dấu hiệu xuất huyết trên cơ thể như xuất huyết dưới da trên bụng, tay chân, mí mắt, cổ.
- Ngày thứ 3: Dấu hiệu sốt xuất huyết trở nên rõ ràng hơn rất nhiều. Bệnh nhân vẫn còn sốt cao, có thể xuất huyết da niêm mạc như chảy máu mũi, máu răng. Nếu trẻ trên tuổi dậy thì hỏi thêm về kinh nguyệt có ra huyết bất thường không? Bệnh nhân có thể cảm giác khó chịu, đau bụng nhợn ói. Hãy làm xét nghiệm máu, kết quả máu nếu có Hct tăng 39-40%, tiểu cầu giảm dưới 150.000 tế bào/mm3 là chẩn đoán SXH chính xác đến trên 90%.
- Sang ngày thứ 4, thứ 5 các triệu chứng rõ ràng nhất.