Căn bệnh này là một trong những nguyên nhân hàng đầu dẫn đến nhập viện và tử vong ở trẻ em các tỉnh phía Nam. Số trẻ sốt xuất huyết đang tăng dồn dập tại 2 bệnh viện nhi đồng ở TP HCM. Sự hiểu biết về bệnh sẽ giúp bạn bảo vệ gia đình, nhất là trẻ em, trong mùa dịch. Vậy những điều cần biết về bệnh sốt xuất huyết và cách phòng ngừa là gì?
Bệnh sốt xuất huyết là gì?
Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm cấp tính, có thể gây thành dịch do virut dengue gây ra. Bệnh lây lan do muỗi vằn đốt người bệnh nhiễm virut sau đó truyền bệnh cho người lành qua vết đốt. Hai loại muỗi vằn truyền bệnh có tên khoa học là Aedes aegypti và Aedes albopictus, trong đó chủ yếu là do muỗi Aedes aegypti.
Bệnh sốt xuất huyết có hai thể: sốt dengue và sốt xuất huyết dengue, có thể xảy ra ở tất cả các nước nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới. Ở Việt Nam bệnh xảy ra ở hầu hết các tỉnh, xảy ra quanh năm nhưng thường bùng phát thành dịch lớn vào mùa mưa. Cho đến nay, nó vẫn là một bệnh rất nguy hiểm; những trường hợp nặng có thể dẫn đến tử vong do trụy tim mạch (sốc) và do xuất huyết ồ ạt.
Những có thể bị sốt xuất huyết?
Tất cả mọi người đều có thể bị sốt xuất huyết. Ở các tỉnh phía Nam hiện nay, hầu hết các trường hợp sốt xuất huyết (70%) xảy ra ở trẻ em dưới 15 tuổi. Trẻ dưới 12 tháng tuổi vẫn có thể bị sốt xuất huyết nặng.
Tiến trình của bệnh diễn ra như thế nào?
Chia sẻ trên báo Gia đình và Xã hội, bác sĩ Nguyễn Thành Úc – phó khoa Nhi Bệnh viện Đa khoa Tiền Giang cho biết, thông thường sốt xuất huyết cần phải được xác định trong 3 ngày đầu tiên kể từ khi khởi sốt.
- Ngày thứ 1: Bệnh nhân sốt cao, đột ngột, liên tục, sốt không ớn lạnh, mặt ửng đỏ, họng đỏ không đau.
- Ngày thứ 2: Bệnh nhân tiếp tục sốt cao, liên tục. Hãy cố gắng tìm các dấu hiệu xuất huyết trên cơ thể như xuất huyết dưới da trên bụng, tay chân, mí mắt, cổ.
- Ngày thứ 3: Dấu hiệu sốt xuất huyết trở nên rõ ràng hơn rất nhiều. Bệnh nhân vẫn còn sốt cao, có thể xuất huyết da niêm mạc như chảy máu mũi, máu răng. Nếu trẻ trên tuổi dậy thì hỏi thêm về kinh nguyệt có ra huyết bất thường không? Bệnh nhân có thể cảm giác khó chịu, đau bụng nhợn ói. Hãy làm xét nghiệm máu, kết quả máu nếu có Hct tăng 39-40%, tiểu cầu giảm dưới 150.000 tế bào/mm3 là chẩn đoán SXH chính xác đến trên 90%.
- Sang ngày thứ 4, thứ 5 các triệu chứng rõ ràng nhất.
Làm sao biết trẻ bị bệnh sốt xuất huyết?
Nếu trẻ bị sốt cao (39-40 độ C) từ 2 ngày trở lên, phải nghĩ ngay đến bệnh sốt xuất huyết và đưa đến cơ sở y tế để được khám và theo dõi. Khi cần, các bác sĩ sẽ cho các cháu thử máu để theo dõi diễn tiến của bệnh.
Trẻ đang theo dõi sốt xuất huyết có thể điều trị tại nhà không?
Trong 10 trường hợp bị sốt xuất huyết, chỉ một hoặc hai trường hợp trở nặng (có biến chứng) phải được nhập viện ngay và chữa trị tại bệnh viện. Các trường hợp còn lại được điều trị ngoại trú và tái khám theo dõi mỗi ngày tại cơ sở y tế cho đến hết ngày thứ 7 của bệnh. Khi trẻ hết sốt, thèm ăn, chạy chơi là an toàn.
Nên làm gì khi trẻ bị sốt xuất huyết?
Khi trẻ sốt cao, cho uống thuốc hạ sốt paracetamol, lau mát bằng nước ấm để tránh biến chứng co giật. Không nên cạo gió, cắt lể vì những cách này gây đau, chảy máu, nhiễm trùng. Tuyệt đối không tự ý cho uống thuốc aspirine, ibuprofen vì có thể gây chảy máu dạ dày. Nên cho trẻ uống nhiều nước (cam, chanh, oresol, nước chín nguội), ăn thức ăn lỏng nhẹ, nằm nghỉ ngơi và theo dõi các dấu hiệu trở nặng của bệnh.
Cách theo dõi tại nhà như thế nào?
Phải theo dõi sát các cháu, không được lơ là. Thời điểm nguy hiểm nhất là khi trẻ hết sốt (thường từ ngày thứ 3 đến hết ngày thứ 6 của bệnh), trẻ có thể trở nặng và sốc, dẫn đến tử vong nhanh chóng nếu không được phát hiện kịp thời.
Các dấu hiệu trở nặng của bệnh sốt xuất huyết: Nôn nhiều, đau bụng, bứt rứt, lăn lộn, tay chân lạnh, tím, vã mồ hôi, chảy máu mũi, chảy máu chân răng, nôn ra máu, đi tiêu ra máu. Trẻ hết sốt nếu có một trong các dấu hiệu trên phải được đưa đến bệnh viện cấp cứu ngay.
Hiện có thuốc tiêm phòng sốt xuất huyết không?
Cho đến nay, vẫn chưa có vacxin phòng ngừa hiệu quả bệnh sốt xuất huyết. Các nghiên cứu về vacxin này vẫn còn ở giai đoạn thử nghiệm lâm sàng, phải nhiều năm nữa mới có thể phổ biến.
Bệnh sốt xuất huyết có thể lây trực tiếp từ người sang người không?
Bệnh sốt xuất huyết không lây trực tiếp từ người sang người. Trẻ bị lây bệnh là do bị muỗi vằn đốt (chích).
Làm thế nào để phòng ngừa bệnh sốt xuất huyết?
Muỗi vằn là trung gian truyền bệnh sốt xuất huyết. Sau khi đốt trẻ bị bệnh sốt xuất huyết, muỗi vằn nhiễm virus Dengue và sau đó khi chích trẻ khác, nó sẽ làm lây bệnh sốt xuất huyết. Muỗi vằn sống trong nhà và đốt trẻ vào ban ngày. Như vậy, để phòng bệnh sốt xuất huyết, trước hết phải tránh muỗi bằng cách cho trẻ ngủ màn kể cả ban ngày, mặc quần áo dài tay, xoa kem chống muỗi ở da, dùng nhang, thuốc phun diệt muỗi trong nhà. Muỗi vằn đẻ trứng và trứng phát triển thành lăng quăng nơi nước trong. Do đó, phải tiêu diệt hết lăng quăng bằng cách dọn dẹp vệ sinh nhà cửa, dẹp bỏ các nơi đọng nước như lu, máng, lon, hộp, gáo dừa, vỏ xe.
Triệu chứng của bệnh sốt xuất huyết ở trẻ em
Đây là bệnh truyền nhiễm cấp tính và có thể xảy ra đối với tất cả mọi người, mọi lứa tuổi, nhưng trẻ em từ 3 đến 10 tuổi là đối tượng dễ mắc bệnh nhất. Bệnh có 1 sô biểu hiện như sau:
Đối với trẻ nhỏ:
- Trẻ thường sốt cao, sốt đột ngột, sốt từ 38 – 39 độ, nhưng thường không đi kèm theo các triệu chứng như ho, sổ mũi.
- Khi cho trẻ uống thuốc hạ sốt thì chỉ có tác dụng trong vài giờ
- Có dấu hiệu xuất huyết, xuất hiện các chấm đỏ trên mặt, da
- Chảy máu cam
- Nôn mửa
- Đi ngoài ra máu
- Có thể đau bụng, đau dữ dội, đau ở vùng dưới sườn bên phải
- Với trẻ lớn hơn thì cũng có dấu hiệu sốt nhưng sốt nhẹ, đau đầu, nhức mắt, đau khớp, nhức mỏi toàn thân và cũng có các dấu hiệu xuất huyết
Triệu chứng bệnh sốt xuất huyết ở người lớn
Triệu chứng: Người lớn khác trẻ em:
- So với trẻ em, ở nhiều bệnh nhân lớn, triệu chứng của bệnh sốt xuất huyết có vài khác biệt khiến việc chẩn đoán ban đầu khi nhập viện và theo dõi điều trị gặp nhiều khó khăn. Một công trình nghiên cứu mới đây của tập thể bác sĩ BV Bệnh nhiệt đới cho thấy sự khác biệt về triệu chứng lâm sàng của sốt xuất huyết ở người lớn: thời gian sốt kéo dài 7 ngày hoặc hơn, thường kèm theo dấu hiệu chảy máu trên lâm sàng (xuất huyết da, chảy máu mũi, tiêu tiểu ra máu, ói ra máu…) và tình trạng xuất huyết kéo dài hơn sau ngày thứ 7 của bệnh.
- Ngược lại, biểu hiện sốc ở người lớn lại nhẹ hơn trẻ em và tỉ lệ tái sốc ít. Những ghi nhận sau đây của nhóm nghiên cứu rất đáng lưu ý: tỉ lệ xuất huyết nặng ở người lớn 50% (trẻ em 6,2%), thường gặp nhất là xuất huyết âm đạo 52,8% (trẻ em 0%), chân răng 48,3% (10,4%), tiêu hóa 41,7% (16,7%), niêm mạc mũi 16,7% (6,3%), xuất huyết sau ngày thứ 7 là 40% (8,3%).
Những dấu hiệu thường gặp của bệnh sốt xuất huyết
Sốt cao
- Theo Bệnh viện nhiệt đới Trung ương, biểu hiện đầu tiên của bệnh sốt xuất huyết là tình trạng sốt cao.
- Sốt (nóng) cao 39-40 độ C, đột ngột, liên tục trong 3-4 ngày liền, mệt mỏi, phát ban, buồn nôn.
Xuất huyết (chảy máu)
- Xuất huyết dưới da: Làm lộ trên mặt da những chấm nhỏ màu đỏ, đốm đỏ hay vết bầm. Phân biệt với vết muỗi cắn bằng cách căng da chung quanh chấm đỏ, nếu chúng vẫn còn là do xuất huyết, ngược lại nếu biến mất thì đó là vết muỗi cắn.
- Chảy máu cam, chảy máu chân răng, nướu răng.
- Ói hoặc đi cầu ra máu (nước ói màu nâu, phân lợn cợn như bã cà phê hoặc đỏ tươi).
- Rong kinh ở phụ nữ, phụ nữ mang thai bị sốt xuất huyết vào thời điểm chuyển dạ lại càng nguy hiểm hơn vì có thể mất máu nhiều…
Đau bụng
- Bệnh nhân có thể có cảm giác khó chịu, đau bụng, nôn ói…
Dâu hiệu sốc
Sốc là dấu hiệu nặng của bệnh sốt xuất huyết, thường xuất hiện từ ngày thứ 3-6 của bệnh, đặc biệt lúc trẻ đang sốt cao chuyển sang hết sốt và có thể xảy ra kể cả khi không thấy rõ dấu hiệu xuất huyết. Dấu hiệu sốc gồm:
- Trẻ mệt, li bì hoặc vật vã.
- Chân tay lạnh.
- Tiểu ít, có thể kèm theo ói hoặc đi cầu ra máu.
Nếu thời gian diễn ra sốc thường ngắn từ 12 đến 24h thì nên đi viện để được điều trị kịp thời. Tuy không phải tất cả người bị sốt xuất huyết đều bị sốc nhưng nên thận trọng theo dõi khi nghi ngờ sốt xuất huyết để kip thời phát hiện những dấu hiệu nguy hiểm kể trên.
Chú ý: Thông thường, quá trình diễn biến của bệnh từ 2 đến 7 ngày, nguy hiểm thường xảy ra ở ngày sốt thứ tư, thứ năm: người bệnh luôn trong trạng thái mệt mỏi, đái ít, bứt rứt, mạch nhanh nhẹ, huyết áp hạ; nặng hơn nữa là không đo được mạch, huyết áp (biểu hiện của trụy mạch).
Người bệnh cần được điều trị tích cực và hỗ trợ truyền máu, không được chữa trị kịp thời sẽ dẫn đến biến chứng nặng như sốc, trụy mạch, xuất huyết các cơ quan nội tạng, xuất huyết não… gây nguy hiểm đến tính mạng.
Biện pháp phòng tránh bệnh sốt xuất huyết
- Không cho trẻ hoạt động dưới các nơi có môi trường tối tăm, ẩm thấp, ao tù nước đọng.
- Nên buông màn khi ngủ cả ngày lẫn đêm để tránh muỗi
- Dùng 1 số biện pháp diệt muỗi như: sử dụng bình xịt, thắp nhang muôi, phun thuốc chống muỗi…
- Đậy kín các nơi có nước như lu, vại… đây là nơi giúp muỗi có điều kiện sinh sản và phát triển
- Phát quang bụi râm
- Vệ sinh nơi ở sạch sẽ, thoáng mát
Hi vọng một vài thông tin trên đã giúp bạn hiểu rõ về Những điều cần biết về bệnh sốt xuất huyết và cách phòng ngừa để từ đó rút ra được những kinh nghiệm cho bản thân trong mùa dịch này.